Thứ tư, Ngày 1 Tháng 5 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Tin tức tổng hợp

Gửi Email In trang Lưu
Nhà sàn bê - tông, vừa giữ truyền thống vừa không mất rừng

07/11/2014 17:50

Nhà sàn là một kiến trúc truyền thống, và ở tỉnh ta hiện nay nhiều dân tộc vẫn duy trì nếp nhà sàn như khẳng định một truyền thống bền chặt. Tuy nhiên, trước nhu cầu cuộc sống, đặc biệt là nhu cầu làm nhà, rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt bởi nạn phá rừng. Từ đó, việc xây dựng nhà sàn bê tông (NSBT) là ý tưởng rất thực tế, hướng tới nhiều mục tiêu: Giữ gìn truyền thống, bảo vệ rừng và xây dựng nông thôn mới.

Nhà sàn bê-tông của gia đình anh Hà Văn Đại ở xã Quang Minh đang hoàn thiện.

Tại xã Quang Minh (Bắc Quang), nơi mà vài năm qua đã có không ít ngôi nhà sàn làm bằng bê-tông được cất lên. Ở thôn Lung Cu, nơi gia đình anh Hà Văn Đại cùng tốp thợ đang hoàn thiện ngôi NSBT có diện tích gần 90m2, vợ chồng anh Đại chia sẻ, làm nhà sàn bằng gỗ bình thường thì dễ bị mục, mọt, mối. Muốn làm tốt phải kiếm được gỗ quý như trai, nghiến..., nhưng điều kiện kinh tế của các gia đình nông thôn có hạn, khó có thể làm nhà sàn gỗ quý. Sau khi thấy nhiều nhà làm NSBT vừa rẻ, vừa khỏe, vừa đẹp, nhà tôi đã quyết làm ngay. Dự kiến sau khi hoàn thiện nhà, khung, sàn, cầu thang đổ bê tông, mái lá cọ, vách gỗ xoan, mỡ, cùng với công cáng, chi phí hết khoảng 250 triệu đồng.

So sánh thực tế ngay tại thôn Lung Cu, xã Quang Minh, ngôi nhà sàn bằng gỗ của gia đình ông Hà Văn Tân cũng đang được dựng lên có diện tích trên 60m2. Gia đình ông Tân chỉ làm ngôi nhà sàn bằng các loại gỗ xoan, mỡ tận dụng từ vườn rừng. Nhưng tính chi phí vật liệu, công cáng mất chừng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà con ở thôn cho biết, sau 3 - 5 năm sử dụng, ngôi nhà sàn của nhà ông Tân sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa nắng, mọt, mối và cần sang sửa để đảm bảo chắc chắn phần khung, cột, sàn... Còn nhà anh Hà Văn Đại, kết cấu bê-tông sẽ không lo nắng mưa, mối mọt và có thể coi như vĩnh cửu. Hơn nữa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm qua thiên tai, mưa bão thất thường, NSBT sẽ đem đến sự an toàn hơn so với nhà gỗ. Cũng theo một số gia đình làm nhà sàn bê tông, quá trình làm, có thể dễ dàng giám sát chất lượng, kỹ thuật xây dựng.
 
Anh Nguyễn Văn Long, người đứng đầu một tốp thợ làng chuyên làm NSBT ở Bắc Quang cho biết, anh đã làm được hơn chục NSBT ở Quang Minh. Hiện nay, không chỉ ở Quang Minh, nhiều xã trong huyện cũng đang xuất hiện những ngôi NSBT chắc, đẹp. Anh Long cho biết thêm, làm NSBT thời gian nhanh hơn làm nhà xây thường. Kỹ thuật làm không quá khó, kết cấu cột, sàn, xà, kèo được đổ liền nhau giúp cho ngôi nhà rất chắc chắn. Các cột, xà trong quá trình đổ được vuốt vuông vắn, sơn giả gỗ, trông ấm cúng như nhà sàn gỗ quý vậy. Không chỉ riêng ở Bắc Quang, tại nhiều huyện như Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên... cũng đã xuất hiện NSBT.

Trao đổi với chúng tôi, các kiến trúc sư Đỗ Quang Huy và Vũ Minh Tuấn, Phòng Quản lí Kiến trúc quy hoạch và nhà ở, Sở Xây dựng cho biết, việc NSBT mọc lên ở các làng quê cho thấy nhu cầu và thực tiễn hiện nay. Trong điều kiện phong tục, tập quán, địa hình và khả năng kinh tế của từng gia đình, khó có thể đưa ra một mẫu kỹ thuật, kiến trúc NSBT cho bà con. Về mặt kỹ thuật, có thể khuyến cáo, do kết cấu khung sàn NSBT không co giãn như nhà sàn gỗ, nên cần phải được xử lý móng các cột một cách đảm bảo. Đối với các vật liệu như gỗ, tre, lá cũng cần phải được bố trí hợp lý để tránh hỏa hoạn. Các kiến trúc sư cho rằng, việc phát triển NSBT không chỉ góp phần giữ bản sắc văn hóa mà còn góp phần giảm nhu cầu vật liệu từ các loại gỗ quý thường chỉ lấy từ rừng tự nhiên, đồng thời gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trước mắt có thể thấy, NSBT cho thấy ưu điểm “ngon, bổ, rẻ”. Thực tế những năm qua, nhà sàn gỗ cũng bộc lộ những bất tiện khi nhiều gia đình phải cơi nới thêm công trình phụ khép kín như bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh bằng bê-tông và gạch ra phía sau ngôi nhà sàn, khiến cho kiến trúc tổng thể của ngôi nhà sàn thiếu hài hòa khi nửa gỗ, nửa gạch, nửa truyền thống, nửa hiện đại. Với việc hạn chế tối đa sử dụng gỗ, đặc biệt là gỗ từ rừng tự nhiên, đồng thời đảm bảo mỹ quan, kiến trúc truyền thống..., NSBT không chỉ là ý tưởng, mà biết đâu sẽ còn có thể là hướng phát triển trong trương tương lai ở các miền quê tỉnh ta!?. Trên cơ sở đó, thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục khảo sát, nghiên cứu nhu cầu của người dân, đưa ra những tư vấn về kỹ thuật, vật liệu, giá cả bình quân trong việc xây dựng một ngôi NSBT; Nghiên cứu, gắn với các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở của T.Ư và địa phương, giúp người dân, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.

Nguồn tin: Theo báohàgiang.vn

Tin khác

Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Đài Loan chấm dứt bắn đạn thật ở Trường Sa (04/11/2014 14:27)

9 trải nghiệm nên thử ở Hà Giang (29/10/2014 09:42)

Bảo tồn, xây dựng và phát triển bền vững CVĐCTC – Cao nguyên đá Đồng Văn (29/10/2014 08:54)

UBND tỉnh tổ chức họp phiên tháng 10 (29/10/2014 08:48)

Muốn thoát nghèo phải có ba quyết tâm (26/10/2014 18:02)

Lớp học lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống người Dao (26/10/2014 17:30)

Cần tích cực sử dụng Hộp thư điện tử của tỉnh @hagiang.gov.vn (26/10/2014 17:11)

Cần khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội (23/10/2014 09:35)

Giao ban khối Đảng, đoàn thể tỉnh (21/10/2014 17:56)

Thủ tướng báo cáo tình hình KT-XH tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (21/10/2014 17:44)

xem tiếp