Thứ tư, Ngày 8 Tháng 5 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Công tác dân tộc

Gửi Email In trang Lưu
Một số nét đặc sắc người Mông ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang

10/10/2014 10:22

Người Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người, là dân tộc có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các huyện phía Bắc: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, và hai huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần. Họ sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác.

Trang phục dân tộc Mông trắng

Tại huyện Mèo Vạc người Mông có 59.541 người, chiếm 77,30% dân tộc Mông chiếm dân số đông nhất, họ sống xen kẽ với hơn 17 dân tộc anh em trong huyện, dân tộc Mông là một trong những dân tộc có bản sắc riêng, có nguồn văn hóa phong phú độc đáo. Có 02 nhóm người Mông là Mông Trắng (HMôngz Đươz), Mông Hoa (HMôngz Lềnhx), nhưng đông nhất là nhóm Mông trắng (HMông Đươz). Cho đến nay, người Mông ở Mèo Vạc Hà Giang vẫn bảo lưu được gần như toàn vẹn bản sắc của văn hoá dân tộc mình như: Rèn đúc, làm đồ gỗ, nhà trình tường bằng đất, trồng lanh, dệt vải để may quần áo, hàng ngày vẫn mặc trang phục dân tộc mình.


.
 
Cảnh mời nhau uống rượu tại chợ

Đặc biệt là ngôn ngữ tiếng Mông trắng được sử dụng thông thường trong sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại huyện. Khi giao tiếp hoặc đi chợ mua bán họ trao đổi chủ yếu bằng tiếng Mông trắng, nếu người dưới xuôi mới lên công tác tại huyện hoặc khách du lịch muốn mua bán cần có phiên dịch mới mua được hàng hóa. Đồng bào ở đó họ biết nói và nghe được hết tiếng Việt nhưng không nói, hỏi nhiều thì họ chỉ cười và lắc đầu. 
 


Cảnh mua bán trao đổi hàng hoá tại chợ

Một sinh hoạt đặc sắc khác mang nhiều sắc thái miền núi là Văn hoá chợ. Chợ Mèo Vạc được coi là trung tâm của các dân tộc trong vùng, mỗi tuần họp một lần vào chủ nhật. Người Mông đến chợ với tất cả niềm háo hức của mình. Từ sáng tinh mơ trên con đường dẫn đến trung tâm huyện ta đã thấy những bóng người dập dìu đi xuống. Họ xuống chợ có khi chỉ cần được nhìn thấy người đi lại, mua bán hoặc gặp gỡ người tình, người bạn để cùng nhau uống chén rượu và kể chuyện núi rừng kể chuyện gia đình làng xóm....
Nói đến văn hoá người Mông không ai không biết đến tiếng khèn với âm thanh trầm trầm dìu dặt, với các làn điệu dân ca trữ tình làm say đắm lòng người. Nó được quyện vào nhau trong các điệu múa ô, múa khèn rất nhịp nhàng và đầy sức sống của thanh niên trai gái. Người Mông ở Mèo Vạc còn nổi tiếng với Lễ hội chợ tình Khâu Vai (còn được gọi là chợ Phong lưu “Phongz lơưx”), mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày 27/3 Âm lịch. Đến với chợ tình không chỉ có lứa tuổi đang yêu mà đây còn là ngày hội của mọi lứa tuổi. Có khi cả ông bà, bố mẹ, con cái cùng đến. Họ đến chợ rất tự nhiên thoả mái, không ghen tuông đố kỵ, vì ai cũng có khoảng trời riêng của mình. Đặc biệt với những người yêu nhau nhưng không lấy được nhau, dù rằng bây giờ đã lên chức ông, chức bà mà vẫn rất tình tứ, lãng mạn:
          “Chàng ơi xuống núi cùng em,
          Hãy đem theo ngựa và đi một mình.
          Em đây tuy chẳng còn xinh,
          Có ô che nắng có chợ tình Phong lưu…”
Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cuộc sống người dân ngày càng phát triển không còn những ngôi nhà tranh dột nát, vách đất như xưa nữa, trong cuộc sống hiện đại ồn ào, vội vã nhưng bản sắc dân tộc của họ không mai một đi. Có thể nói, bản sắc văn hoá người Mông mang nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn sâu sắc mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để nó mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Vương Thuỷ - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh