Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Công tác dân tộc

Gửi Email In trang Lưu
Dân ca nghi lễ cúng trong bầu thai của dân tộc Mông ở Hà Giang

13/10/2014 17:03

Đối với cộng đồng người Mông, khi một phụ nữ mang thai, không chỉ là niềm vui riêng của một gia đình mà là niềm vui chung của cả dòng họ, làng xóm. Truyền thuyết sinh đẻ người Mông từ xa xưa tới nay có hàng ngàn phong tục tập quán kỳ lạ, thậm trí có rất nhiều điều cấm kỵ, lễ chúc mừng trước và sau khi ra đời vô cùng phong phú sâu sắc.

Cúng mang thai

Sau khi đôi nam nữ kết hôn, gia đình hai bên nội ngoại lúc nào cũng mong tin mừng, tức là ngày cô gái bắt đầu mang thai, thời gian mang thai là hết sức quan trọng và thiêng liêng, gia đình nhà trai chuẩn bị rất nhiều thứ để cho “Mẹ tròn, con vuông”. Đối với người Mông khi có thai được từ 5 đến 7 tháng thì tổ chức lễ cúng trong bầu thai, trong lễ cúng có Dân ca nghi lễ sau:

Trong gia đình cử một người đi đón thầy cúng (txir muôv).

Đi cùng với thầy cúng có một thầy phụ (cxưl), người phụ này có nhiệm vụ mang đồ cúng và yêu cầu gia đình chuẩn bị lễ cúng.

Thầy cúng phụ và chủ nhà sắp lễ trên bàn vông giữa bàn thờ gồm: Một rổ ngô dưới rổ ngô đặt 120.000 đồng, cắm 25 que hương (1 bát bột ngô, 1 quả trứng, 1 que hương đặt bên trái cho thầy cúng; 1 bát bột ngô, 1 quả trứng, 1 que hương đặt bên phải cho gia chủ), ba bát nước và 3 chén rượu được lót bằng giấy vàng giấy bạc trước rổ ngô;  một con gà trống tơ được úp bằng quẩy tấu bên góc trái bàn thờ cho thầy cúng. 

Chủ nhà lấy nước chè cho thầy cúng rửa chân và đi đôi dép chim, thầy cúng lấy chiếc khăn màu đen rộng bàng khăn mặt che mặt, tay cầm vòng khiêng rồi ngồi ghế bắt đầu cúng; người đàn ông chủ nhà đứng giữa nhà hướng về thầy cúng quỳ xuống lạy ba lần và nói (làm vất thầy cúng, làm thầy cúng mất sức gia đình xin cám ơn), thầy cúng đáp (không có gì tôi lên đường cúng cho gia đình đi tốt về tốt đem nhiều điều tốt lành đứng dậy đi không phải quỳ lạy gì cả) nói xong thầy tiếp tục cúng khi thầy cúng đã nhập tâm hai chân thầy bắt đầu nhấc đều đều như ngựa đang phi nước đại trong toàn bộ thời gian cúng.

Người phụ nữ mang thai đứng giữa nhà mặt quay ra ngoài cửa, thầy cúng phụ chuẩn bị một miếng vải đỏ và một miếng vải trắng chập làm đôi có bấm một nốt nhỏ khi giật mạnh thì đứt làm đôi rồi vắt trên vai người phụ nữ mang thai, người phụ nữ mang thai nắm chặt một đầu miếng vải đỏ và vải trắng, thầy cúng phụ tay cầm bát nước và miếng vải đỏ vải trắng còn lại thầy cúng phụ hát:
         
          “Lần này chia đến cùng, ma đi ma, người ở lại người nhà
           Buộc chín cái nút, mười cái cục
           Người nhìn thấy người chạy, ma thấy ma không giám cười
           Hoa nước nở phun trào, hồn người thoát ra
          Hoa máu nở luôn, hồn thoát luôn”.

Hát đến đây thầy cúng phụ ngậm một hớp nước to và giậm chân thật mạnh, phun miệng nước đó vào người phụ nữ và thét lên một tiếng (phai) giật mạnh miếng vải đỏ, vải trắng, chập đôi rồi cắt đứt làm đôi; phần người phụ nữ mang thai nắm được thì đeo ở vòng cổ, phần thầy cúng phụ giật được thì đem đi buộc ở gốc cây đào cách xa nhà.

Phong tục này cho đến nay vẫn được duy trì như một trong những tinh hoa văn hóa dân tộc.

Vương Thuỷ - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh

Tin khác

Một số nét đặc sắc người Mông ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang (10/10/2014 10:22)

xem tiếp