Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Công tác nhân quyền

Gửi Email In trang Lưu
Báo cáo quốc gia UPR thành công khẳng định thành tựu về nhân quyền, tôn giáo ở Việt Nam

27/08/2014 13:34

Ngày 05/2/2014, Đoàn đại biểu Việt Nam gồm đại diện 11 bộ, ngành do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm Trưởng đoàn đã trình bày Báo cáo quốc gia trong khuôn khổ cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ 2 của Việt Nam và đối thoại trực tiếp với 107 nước về các vấn đề mà các nước quan tâm.

Trưởng Đoàn Việt Nam đã giới thiệu khái quát những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trong 4 năm qua, kể từ Phiên Rà soát chu kỳ 1 đến nay. Đồng thời nêu rõ Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc, tích cực 96 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận, kết quả đạt được thể hiện sinh động trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, nhất là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và thực hiện các chính sách về quyền con người; trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân,… Việt Nam cũng tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền: gia nhập thêm các Công ước về quyền con người, 3 lần đón các Thủ tục Đặc biệt của HĐNQ thăm Việt Nam,…
Chiều ngày 07/2/2014, phiên họp của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (HĐNQ LHQ) tại Geneva, Thụy sĩ đã thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam và được nhiều nước nồng nhiệt chúc mừng. Trưởng đoàn Việt Nam đã cảm ơn Nhóm phụ trách Báo cáo của Việt Nam, Nhóm Làm việc về UPR và các nước đã hỗ trợ Việt Nam; đánh giá cao các phát biểu, đóng góp và khuyến nghị tích cực, xây dựng của các nước đối với Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng tất cả các khuyến nghị được nêu tại phiên trình bày, đối thoại lần này và sẽ chính thức thông báo với các nước về việc chấp nhận các khuyến nghị tại Khóa họp thông qua các báo cáo UPR tại kỳ họp thứ 26 của HĐNQ vào tháng 6/2014.
Cần nhắc lại rằng UPR là cơ chế được HĐNQ LHQ thành lập năm 2007 và được tổ chức bốn năm một lần tại HĐNQ nhằm kiểm tra định kỳ để đánh giá một cách toàn diện, khách quan tình hình thực hiện các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền của tất cả 193 nước thành viên LHQ. Tháng 5/2009, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công Báo cáo UPR chu kỳ 1. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia trong bối cảnh vừa trúng cử HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Đa số các nước tham gia phiên đối thoại đều ghi nhận Việt Nam đã chuẩn bị công phu Báo cáo UPR với nội dung phong phú, toàn diện, thể hiện cam kết về đảm bảo quyền con người. Các nước ASEAN hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Với trách nhiệm của mình, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của LHQ và ký nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương với các nước về lĩnh vực liên quan; thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về nhân quyền với một số nước như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch,...
Có thể khẳng định rằng trong 4 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng về lĩnh vực nhân quyền, thể hiện qua việc các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa đã được phát huy; đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt nên được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các quyền tự do cơ bản của người dân Việt Nam đã được thúc đẩy và đảm bảo tốt hơn trên tất cả các lĩnh vực. Quyền tự do ngôn luận, thông tin được phát huy đầy đủ và ngày càng tốt hơn với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Internet với hơn 30,8 triệu người sử dụng. Các cuộc tranh luận, chất vấn tại Quốc hội và các diễn đàn diễn ra sôi nổi, thực chất; Nhà nước khuyến khích người dân tham gia góp ý, phê bình, phản biện các chính sách quốc gia nhằm đóng góp hiệu quả, tích cực trong tiến trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật. Hàng năm, Nhà nước chi 8 triệu đô la Mỹ để phát hành 19 tờ báo, tạp chí cho các dân tộc thiểu số; có 2000 câu lạc bộ để phổ biến pháp luật tại các vùng dân tộc thiểu số. LHQ đã nhận định Việt Nam là một trong những nước thực hiện tốt nhất quyền của người thiểu số trên thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong 20 năm qua với tỉ lệ nghèo giảm từ gần 60% từ những năm 1990 xuống 20,7% vào năm 2010; bà Valerie Kozel, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết: "Những thành tựu đạt được về xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam rất ấn tượng”.
   Trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân luôn được ghi nhận. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Thực tế, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam không ngừng được cải thiện. Có thể nói rằng, chưa bao giờ tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh và hoạt động diễn ra sôi động như hiện nay. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị ngăn cấm. Mọi người dân hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Theo thống kê, hiện có gần 90% số dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó hơn 25 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau (so với khoảng 20 triệu người năm 2009). Cả nước có hơn 25.000 cơ sở thờ tự và 45 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. Hàng năm có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì, mở rộng. Quan hệ giữa các các tổ chức tôn giáo trong nước với tổ chức tôn giáo nước ngoài được tăng cường; hàng năm có hàng trăm lượt chức sắc tôn giáo ở Việt Nam ra nước ngoài đào tạo, tu nghiệp ở Mỹ, Pháp, I-ta-li-a, Ấn Ðộ;... hoặc tham gia các diễn đàn quốc tế, đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn như ASEM, ASEAN...  Nhiều đoàn tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam thăm, tham dự các sinh hoạt tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo,... qua đó đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Việc xuất bản, phát hành kinh sách được giải quyết theo nhu cầu của các tổ chức tôn giáo. Công tác giáo dục, đào tạo về tôn giáo được thúc đẩy. Đến nay có 38 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Chính phủ cũng đồng ý để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại Lễ Phật Đản LHQ (Vesak) lần thứ II vào tháng 5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình…
Chứng kiến Việt Nam "thay da, đổi thịt" phát triển vượt bậc so với trước đây, rất nhiều người đã nhận ra sự thật. Hàng ngàn người gốc Việt trở về quê hương, trong đó có các phóng viên báo chí như ông Nguyễn Phương Hùng, người từng có "36 năm chống cộng" đã đi khắp ba miền, từ thành thị đến vùng sâu vùng xa, đã gặp gỡ, tìm hiểu nhiều người thuộc thành phần xã hội khác nhau,... mà không bị cản trở. Cũng có những bình luận của báo chí nước ngoài về “Báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam” cho rằng  chính nước Mỹ cũng có rất nhiều vấn đề phải đối mặt, đặc biệt việc lạm dụng quyền lực của cảnh sát, sự kỳ thị chủng tộc với người da màu, một việc thâm căn, cố đế tại nước Mỹ. Là một người dân bình thường ai đó sẽ ngạc nhiên khi thấy các nhân vật "bất đồng chính kiến" ấy sau khi ra tù lại “có vé” sang Mỹ định cư. Nhưng nếu nhìn lại cả một thời gian dài sau khi giải phóng miền Nam tới nay, đại đa số những người ở phía đối đầu với chính quyền đều được Mỹ đón chào thì chúng ta sẽ hiểu ngay ra ý đồ trong cái gọi là “Báo cáo nhân quyền của họ" và rằng, nhân quyền chỉ là một chiêu bài chính trị, hơn là một quan tâm có thực chất…".
Ông Hồ Ngọc Thắng, một quan chức người Đức gốc Việt đã nói lên những điều "mắt thấy, tai nghe": Trước đây, tôi về Việt Nam cứ hai hoặc ba năm một lần, nhưng từ 10 năm trở lại đây, năm nào cũng có mặt ở quê hương. Tôi đã đi từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa hẻo lánh... Có lần tôi cùng vợ, con chứng kiến cảnh sinh hoạt tôn giáo sống động của giáo dân ở hai giáo phận Bùi Chu (Nam Ðịnh) và Phát Diệm (Ninh Bình). Một hình ảnh luôn đập vào mắt tôi là rất nhiều nhà thờ được tu bổ khang trang, lộng lẫy, nhiều nhà thờ được xây mới. Tôi đã đến thăm Chùa Bái Ðính ở Ninh Bình trong hai năm 2010 và 2013. Ðến thăm chùa, liệu ai dám nói là tự do tôn giáo ở Việt Nam có vấn đề? Tôi thường bắt chuyện với giáo dân Công giáo và Phật tử nhưng không phát hiện một dấu hiệu nào về sự vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam. Là quan chức được giao nhiệm vụ xét đơn tị nạn, ông cho biết: Các năm gần đây hầu như không có công dân nào của Việt Nam được lưu vong vì lý do tôn giáo. Có người tị nạn khai phải chạy trốn khỏi Việt Nam vì lý do chính trị hay tôn giáo nhưng khi quan chức của Đức xem xét hồ sơ thì lại là người bị truy tố tội lừa đảo, nhận hối lộ hoặc môi giới hối lộ…
Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào HĐNQ LHQ một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo. "Bàn tay không che nổi mặt trời" nên dù họ có sử dụng thủ đoạn như thế nào thì những người có lương tri vẫn nhìn rõ dã tâm của họ và lời phát biểu của bà Pratibha Mehta - Ðiều phối viên thường trú LHQ, tại Lễ công bố Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam chu kỳ 2 của HĐNQ LHQ đã nói lên tất cả: "Nhân Lễ công bố này, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã được bầu vào HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016. Việc bầu cử này chứng nhận rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế nhân quyền trong những năm qua... Là thành viên của HĐNQ, Việt Nam đã cam kết duy trì những tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền".
Nhân dịp Tết cổ truyền Giáp Ngọ của Việt Nam, Ðại sứ Mỹ tại Hà Nội David Shear đã mô tả rất sinh động khung cảnh yên bình, vui tươi của ngày Tết ở Hà Nội, người dân Việt Nam đang được hưởng một cái Tết an lành. /.

Nguồn tin: Theo Báo Ban Tôn giáo Chính phủ

Tin khác

Thúc đẩy nhân quyền hay can thiệp vào công việc nội bộ? (11/08/2014 11:28)

Một sự hiểu biết mù mờ về nhân quyền (11/08/2014 10:48)

xem tiếp