Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Công tác nhân quyền

Gửi Email In trang Lưu
Một sự hiểu biết mù mờ về nhân quyền

11/08/2014 10:48

Đọc, ngẫm và dẫn chứng từ thực tế xã hội Việt Nam mới thấy, những lời lẽ trong bài viết được đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 26-7 thực sự là những ý kiến thiên lệch, vô căn cứ, thậm chí có dụng ý xấu của một người hoặc một nhóm người.

Đông đảo đại diện các Phật tử về dự lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2014 Liên Hiệp Quốc 2014 tại Việt Nam

Ngày 26-7-2014, trên BBC Tiếng Việt có đăng bài viết với nhan đề “HRW thúc Úc ép VN cải thiện nhân quyền”. Mở đầu bài viết, tác giả cho rằng: “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) thúc giục Ô-xtrây-li-a (Australia) gây sức ép với Chính phủ Việt Nam trong phiên đối thoại nhân quyền song phương. Để có được sự “thuyết phục”, họ viện dẫn cái gọi là “thông cáo của HRW”. Theo họ, thông cáo ra ngày 24-7 của HRW kêu gọi Ô-xtrây-li-a gây sức ép Hà Nội để thực hiện điều họ gọi là “những bước cải thiện cụ thể bao gồm các hành động như: Khẩn trương phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị và chấm dứt hạn chế các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và tự do tôn giáo".

 

Tiếp đó, bài viết này đề cập: “Trong phúc trình HRW gửi tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Ô-xtrây-li-a, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến nghị, Ô-xtrây-li-a cần thúc ép Chính phủ Việt Nam đạt được những tiến bộ trong ba lĩnh vực chính được quan tâm nhiều nhất là: Tù nhân chính trị, cản trở quyền tự do tôn giáo và cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy”. Theo bài viết: “HRW mô tả, hiện có khoảng 150 đến 200 nhà hoạt động và bloggers đang phải ngồi tù ở Việt Nam chỉ vì đã thực hành các quyền cơ bản của mình”.

 

Chỉ xin trích dẫn một số đoạn trong bài viết trên để bạn đọc thấy rằng, những lập luận này vừa rất thiếu căn cứ, vừa không có sự hiểu biết về thực tế đời sống xã hội ở Việt Nam. Trước hết, xin thưa rằng: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân chính trị”. Hệ thống pháp luật Việt Nam, từ Hiến pháp đến các văn bản dưới luật ở Việt Nam không có bất kỳ chỗ nào xuất hiện cụm từ “tù nhân chính trị”. Ở Việt Nam, chỉ có những người vi phạm pháp luật, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân mới bị các cơ quan chức năng xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật. Tại Khoản 2, Điều 11, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định: “Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Điều này không phải là chuyện riêng của Việt Nam. Trên thế giới, bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù mạnh về kinh tế hay còn những hạn chế nhất định, dù ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ hoặc châu Phi… để quản lý xã hội, nhà nước đều ban hành những bộ luật nhất định. Căn cứ vào hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành, chính quyền ở từng quốc gia trên thế giới quản lý và điều hành đất nước theo đúng các quy định của pháp luật. Hơn nữa, pháp luật là thể hiện ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, phản ánh đầy đủ nét văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì vậy, những hành vi chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn cản sự phát triển tiến bộ của quốc gia, dân tộc thì đều bị trừng trị thích đáng. Nói ra điều này để thấy rằng, Nhà nước Việt Nam cũng như nhà nước của các quốc gia khác trên thế giới, đều thực hiện quản lý xã hội bằng hệ thống pháp luật. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua ghi rõ: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”; “Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân…; có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng phạt tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân…”. Do vậy, trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa khi nào và cũng chưa bao giờ xuất hiện khái niệm được gọi là “tù nhân chính trị” thì sao lại có những người phạm tội mà đến nỗi để HRW buộc phải lớn tiếng “kêu gọi” Ô-xtrây-li-a thúc ép Việt Nam? Thật nực cười khi mà lấy những điều không có trên thực tế để bắt ép người khác phải làm, phải thừa nhận. Nếu theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đó chính là tội vu khống. Chúng tôi cho rằng: Nếu tác giả bài viết nêu trên chưa hiểu thực tế Việt Nam, chưa có được những kiến thức về pháp luật Việt Nam thì đây cũng chính là cơ hội để tác giả này học hỏi thêm. Dân tộc Việt Nam có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, vì vậy, xin hãy đến Việt Nam để hiểu thêm về Việt Nam và quan trọng hơn chính là hiểu thực chất về đời sống xã hội của Việt Nam.

 

Điểm đáng chú ý thứ hai mà bài viết đăng trên BBC Tiếng Việt đề cập là “cản trở quyền tự do tôn giáo”. Cần phải khẳng định ngay rằng: Chưa khi nào và trong bất kỳ thời điểm nào, tôn giáo ở Việt Nam lại phát triển mạnh mẽ như thời gian gần đây. Hiện nay, ở Việt Nam đang có sự xuất hiện của nhiều tôn giáo, nhất là các tôn giáo lớn trên thế giới như: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, đạo Hồi… Tất cả những tôn giáo này đều được pháp luật Việt Nam thừa nhận và chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để những người có đạo được hành lễ theo đúng ý nguyện. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, khẳng định:  

 

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

 

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

 

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

 

 Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Nhắc lại, trích lại nội dung trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và  Điều 24 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để cho thấy, quan điểm thứ hai của tác giả trong bài viết đăng trên BBC Tiếng Việt vừa không có căn cứ, vừa nhận định mơ hồ, thiếu thực tế. Hẳn không phải tác giả của bài viết này không biết mà có lẽ họ cố tình không biết về tình hình tôn giáo ở Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ chống lại Nhà nước Việt Nam, phá hoại sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

 

Điểm thứ ba trong bài viết này đề cập đến chính là cái gọi là “cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy”. Điều này cần phải khẳng định rằng: Chủ trương thành lập các trung tâm cai nghiện ma túy của Đảng, Nhà nước Việt Nam không ngoài mục đích nào khác là đưa những con người lạc lối trở lại với cộng đồng, với người thân, gia đình và xã hội. Như vậy, việc giáo dục, bồi đắp ý chí, nghị lực cho những người nghiện ma túy trở về với cuộc sống thường ngày không thể gọi là sự “cưỡng bức”. Ai cũng đều hiểu rằng: Một người chẳng may nghiện ma túy, không chỉ làm hại chính cho bản thân mà còn liên lụy đến đời sống bình thường của nhiều người khác, gây bất bình trong xã hội. Một con người như vậy cần được xã hội giúp đỡ, cưu mang để có thể trở thành một người bình thường. Đó chính là sự nhân ái của dân tộc và của xã hội Việt Nam.

 

Đọc, ngẫm và dẫn chứng từ thực tế xã hội Việt Nam mới thấy, những lời lẽ trong bài viết được đăng trên BBC Tiếng Việt ngày 26-7 thực sự là những ý kiến thiên lệch, vô căn cứ, thậm chí có dụng ý xấu của một người hoặc một nhóm người. Cũng có thể họ thiếu thông tin, nhưng cũng có thể họ đã cố tình không chịu hiểu về những điều tốt đẹp hiện đang có trong xã hội Việt Nam. 

Nguồn tin: Theo QĐND