Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Tin tức tổng hợp

Gửi Email In trang Lưu
Dấu ấn lịch sử qua những lá thư thời chiến

28/07/2017 17:32

Bối cảnh, thời điểm, tâm thế, trạng thái của những lá thư thời chiến có thể không giống nhau, nhưng dường như tất cả đều là những tâm tư, tình cảm, thể hiện quan điểm, nhận thức, ý chí về cuộc chiến tranh, đầy ắp tinh thần vượt qua gian khó, quyết tâm và quyết thắng với khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ khi nước nhà độc lập, thống nhất, non sông liền một dải.

Ảnh minh họa

1. Hiểu lịch sử dân tộc, thêm trân trọng giá trị những lá thư thời chiến
Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đối phó với nhiều thách thức khủng khiếp, nhưng đều vượt qua rất vẻ vang: hơn 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, tiếp đến trong gần 1000 năm thường xuyên phải chống lại nhiều cuộc xâm lăng của phong kiến phương Bắc để bảo vệ độc lập dân tộc; gần 100 năm chống ách thống trị thực dân kiểu cũ và chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp cùng sự thống trị của phát xít Nhật và can thiệp Mỹ; 21 năm chống ách thống trị thực dân kiểu mới và chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm nghĩa vụ quốc tế với Lào và Campuchia.
Thực tế “lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm là lịch sử của một nước thống nhất, một đại gia đình dân tộc thống nhất, là lịch sử không ngừng đấu tranh đánh bại các thế lực xâm lược và chia cắt” đã thể hiện rõ sức sống và chiều sâu văn hóa chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nhờ sức mạnh khôn lường ấy, dân tộc ta không hề bị đồng hoá bởi các chính sách nô dịch của kẻ thù xâm lược. Từ thời quân chủ, hễ kẻ thù đụng đến nước ta thì “vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước chung sức” giữ vững quê hương, bảo vệ xã tắc. Dần dần hình thành nên học thuyết quân sự Việt Nam “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “trăm họ là binh”, “lấy đoản binh chống trường trận”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”. Vận dụng phép biện chứng đổi yếu thành mạnh, kết hợp lực - thế - thời - mưu, cuối cùng đạt tới nguyện vọng sâu xa là giành lại và giữ vững chủ quyền quốc gia với tư tưởng vượt thời đại: “tập họp bốn phương manh lệ”, “dập tắt muôn đời chiến tranh”, “đem lại thái bình muôn thuở”[1].
Chỉ tính riêng trong kỷ XX, sau khi giành thắng lợi Cách mạng tháng 8-1945, dân tộc Việt Nam lại phải 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi làm nên chiến thắng Điện Biên năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chúng ta lại phải kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm. Song, nhờ sức mạnh văn hóa dân tộc với cốt lõi là lòng yêu nước nồng nàn kết hợp với sức mạnh thời đại đã tạo nên sức mạnh khổng lồ không thế lực nào địch nổi. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[2]. Bởi vậy, tuy phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ hùng mạnh nhất, tàn bạo nhất, nham hiểm nhất, hiếu chiến nhất lúc bấy giờ, đối phó với 4 chiến lược chiến tranh cùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù qua 5 đời tổng thống Mỹ, chống trả với lực lượng quân tổng hợp (ngụy, viễn chinh Mỹ, quân chư hầu Philipin, Hàn Quốc, Niu Di lân, Úc, Thái Lan), nhưng cuối cùng chúng ta đã chiến thắng. Chiến thắng này của ta là thất bại thảm hại nhất của đế quốc Mỹ và là cuộc chiến tranh dài ngày nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày toàn thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một sự kết vô song, trở thành biểu tượng cho trí tuệ và tinh thần Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc ta cũng là của nhân loại tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi ấy là kết quả của sức mạnh tổng hợp, không thể đo đếm được sức chiến dấu, hy sinh anh dũng của người lính ở chiến trường và thân nhân người lính ở hậu phương.
Nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình bao nhiêu, càng ngưỡng mộ, khâm phục những kỳ tích oanh liệt chống giặc ngoại xâm, sức sống mãnh liệt của văn hóa dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam bấy nhiêu; càng khâm phục những người lính cụ Hồ, thêm nâng niu giá trị những lá thư tuy đã úa màu năm tháng. Nếu hiểu rõ lịch sử dân tộc, chúng ta càng trân trọng sự hy sinh tuổi xuân của thế hệ đi trước, càng xúc động mỗi khi lật lại từng trang thư thời chiến!
2. Những lá thư thời chiến - nguồn sử liệu phong phú về tinh thần quyết thắng, khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có rất nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, không một phút đắn đo khi lấy máu, xương của mình để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất, giữ vẹn lãnh thổ, biên cương mà ông cha dày công gây dựng, bồi đắp và gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Hòa bình hôm nay chính “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”[3].
Mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, các gia đình Việt Nam lại tiễn người thân ra tiền tuyến. Trong hoàn cảnh ấy, người lên đường bịn rịn, người ở lại khắc khoải đợi chờ. Dẫu biết rằng, chiến tranh không hẹn ngày về nhưng ai cũng vẫn nuôi hy vọng sẽ được đoàn tụ bên nhau khi đất nước sạch bóng quân thù. Ở tiền tuyến, người lính luôn hướng về gia đình, quê hương: “Ôi quê hương yêu dấu, nơi chôn rau cắt rốn của ta, sẽ có ngày ta trở lại quê hương” và luôn quyết tâm: “Lẽ sống của tôi là phải lao vào những nơi khó khăn nhất, lao vào mũi nhọn của cuộc sống lao động và chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Tôi muốn trở thành một thỏi gang trong lò luyện kim chứ không muốn làm tấm lụa mỏng trong quầy hàng, cánh hồng nhung trong phòng ấm”[4]. Đó là lẽ sống có tính phổ quát cho những người trai thời chiến còn vọng mãi với thời gian, là bức thông điệp cho tuổi trẻ hôm nay tự ngẫm lại trách nhiệm của mình với Tổ quốc.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết bao thanh niên lứa tuổi 20 như Đặng Thùy Trân, Nguyễn Văn Thạc, Đỗ Lương Bằng[5]... lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và rồi vĩnh viễn ra đi. Nhưng bản lĩnh sống, sự hy sinh, khát khao, ước mơ, tình yêu cháy bỏng, ý chí chiến đấu với niềm tin tất thắng của người lính năm xưa thì vẫn gửi lại thế hệ sau qua những trang thư viết vội trên mỗi chặng đường hành quân. Đó chính là một phần của hiện thực sinh động về cuộc chiến tranh ác liệt, về tình yêu Tổ quốc đến mức quên mình, về tình yêu lứa đôi đẹp như truyện cổ tích nhưng khó trọn vẹn; giúp chúng ta khơi lại nhiều cảm nhận sâu sắc về một thời bom đạn đã lùi vào quá khứ từ hơn 40 năm qua.
Bối cảnh, thời điểm, tâm thế, trạng thái của những lá thư thời chiến có thể không giống nhau, nhưng dường như tất cả đều là những tâm tư, tình cảm, thể hiện quan điểm, nhận thức, ý chí về cuộc chiến tranh, đầy ắp tinh thần vượt qua gian khó, quyết tâm và quyết thắng với khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ khi nước nhà độc lập, thống nhất, non sông liền một dải. Có nhiều lá thư viết xong chưa kịp chuyển đến tay người nhận thì tác giả đã hy sinh; cũng có những lá thư bị lưu lạc mấy chục năm sau mới đến tay người nhận, lại có lá thư trở thành báu vật duy nhất của người đã hy sinh gửi lại người đang sống... Mỗi lá thư thời chiến rất đỗi riêng tư nhưng tất cả lại cho người đọc cảm nhận nhiều điều về đời sống tinh thần của lớp thanh niên của xã hội thời chiến; góp phần làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn người lính tuy gian khổ nhưng luôn yêu đời, khát vọng hòa bình, mong đợi ngày đoàn tụ, tin tưởng vào thắng lợi ở ngày mai. Nó chứa đựng nhiều thông tin xác thực về cuộc chiến tranh như: địa điểm, thời gian, tính chất ác liệt của trận đánh, kết quả tiêu diệt máy bay địch, sự càn quét của địch, quá trình di chuyển trận địa, tâm thái người lính trước khi vào cuộc chiến....
Đây là nguồn sử liệu phản ánh sinh động hiện thực tình yêu, cuộc sống chiến đấu, rèn luyện, sự hy sinh và khát vọng của người lính ở chiến trường gửi về quê nhà và cũng là nỗi mong đợi, động viên, chia sẻ, cầu nguyện của người thân ở hậu phương gửi ra tiền tuyến. Vì vậy, thư thời chiến có giá trị như là sợi dây kết nối quá khứ tới hiện tại, giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn và hiểu biết đầy đủ hơn về một thời bom đạn, về những con người trong cuộc chiến, thậm chí có nhiều chi tiết góp phần giải mã một số bí ẩn lịch sử.
3. Hiện thực lịch sử dân tộc qua một số lá thư thời chiến
Nhiều độc giả không nguôi xúc động về những lá thư chan chứa nỗi nhớ thương da diết và mong ngày đất nước toàn thắng để hội ngộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi cho người yêu là Phạm Thị Như Anh, thể hiện rõ khát khao, bản lĩnh mãi mãi tuổi hai mươi. Đặc biệt hơn, có một chi tiết trong lá thư viết ngày 30/4/1971, cho chúng ta thấy sự trùng hợp kỳ lạ của hiện thực lịch sử. Thư viết: Bốn năm nữa Như Anh đã trở thành con người hoàn chỉnh, đã có thể trả lời câu hỏi: Hạnh phúc là gì?... Bốn năm nữa biết bao sự kiện sẽ xảy ra... Ngày 30/4/1975 thì Thạc và Như Anh đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ “hạnh phúc là thế nào” nhé![6]  
Còn Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bên cạnh những trang nhật ký viết về một thời khói lửa, đã để lại bức thư tình gửi cho Đại tá Khương Thế Hưng[7] và anh Hưng cũng viết nhiều về Trâm. Lá thư ngày 17/3/1969, Đặng Thùy Trâm viết: “Đừng trách tôi nghe đồng chí! Tiếng súng chiến thắng đang nổ dòn trên khắp các chiến trường, chiến thắng ấy có công sức của anh, những người chiến sĩ Giải phóng và có chút xíu của em người ở hậu phương – Em nghe rồi nhưng vẫn có lúc nào đó giữa hai tràng tiếng nổ em nghe tiếng thì thầm của trái tim… Mong anh được bình an và khỏe, mãi mãi là người Giải phóng quân cầm súng mà tâm hồn không phải chỉ có lửa đạn…?”[8]. Đó là lời trách khéo léo của một người con gái đã hiểu và thông cảm cho người lính thời chiến coi phục vụ Tổ quốc lên trên hết, nhưng đừng quên tình yêu và hạnh phúc gia đình - chân lý giản dị ngàn đời.
Trong một lá thư của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa viết ngày 19/2/1979 gửi cho bạn gái tên Thúy [9] lại chứa đựng ý chí quyết thắng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Lá thư mãi 34 năm sau mới đến tay người nhận, trong đó có đoạn viết: “Em thân yêu của anh! Thư em đến với anh giữa lúc anh cùng đơn vị chuẩn bị lên đường chiến đấu. Lẽ ra anh không báo tin này cho em và gia đình biết, phần vì thời gian rất gấp và khẩn trương, phần vì anh không muốn em phải lo lắng nhiều vì anh... Ngày mai anh sẽ ra phương bắc để bước vào cuộc chiến mới. Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra, nơi đó quân thù đang giày xéo biên cương của Tổ quốc. Nơi đó đồng đội đang chờ anh... Em ơi, ngày mai anh đi về phương bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly!... Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé... Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em. Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé – tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh”[10]. Đó hiện thực lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới đã làm cắt đứt tình yêu đôi lứa mà ít ai ngờ nó lại xảy ra sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp chính phủ cách mạng Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng chưa kết thúc.
Trường hợp thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái[11] lại mang một màu sắc khác. Trong vòng 3 năm (1933-1936), bà đã viết hơn 100 lá thư gửi cho người yêu, người chồng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức thư nào cũng thể hiện sự nhớ nhung, quan tâm của người yêu, sau là người vợ trẻ với người chồng phương xa, luôn khẳng định tinh thần, lý tưởng cách mạng bền vững. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại vì điều kiện hoạt động cách mạng phải giữ bí mật khi ở trong nước và khi hoạt động ở Trung Quốc nên lâu lâu mới gửi về nhà một bức thư viết trên mẩu giấy thuốc lá. Thậm chí, thật đau xót khi nhiệm vụ cách mạng nặng nề, điều kiện liên lạc khó khăn, vì không biết Quang Thái đã hi sinh trong tù nên chồng vẫn tiếp tục gửi thư về địa chỉ người đã mất[12].
Gần đây, tôi sưu tầm được một số bức thư thời chiến và cuốn nhật ký của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng (dày hơn 200 trang, giấy to) [13], chứa đựng nhiều thông tin về hiện thực lịch sử, thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu với kẻ thù và lời hứa hẹn đoàn tụ sau ngày đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thư của đồng chí Hoàng Kim Diễn viết ngày 2/10/1966 gửi về cho vợ: “Nhiệm vụ của anh hiện tại rất nặng nề vì đã là người lính trong thời chiến. Quyết tâm của toàn quân, toàn dân là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, không một khó khăn nào làm cản trở bước tiến của anh…Nhiệm vụ của em cũng rất nặng nề, cố gắng vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong thời chiến. Lúc này mỗi người phải chịu đựng hy sinh lớn nhất và có dám hy sinh mới thắng được giặc Mỹ. Dân tộc dám hy sinh để thắng giặc Mỹ giành lại độc lập vì không có gì quý bằng độc lập tự do” [14].
Trong lá thư của chiến sĩ Hoàng An viết ngày 26/3/1969 gửi cho Kim Dung “người vợ hiền sắp cưới” đã cung cấp cho chúng ta tư liệu sống động về tội ác của giặc Pháp và Mỹ, cho thấy ý chí quyết chiến đấu chống giặc ngoại xâm không chỉ vì nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn xuất phát từ “trả thù nhà, nợ nước”: Có phải đến bây giờ chúng ta mới hiểu đâu mà ngay từ những buổi đầu khi trăng non mới ló, chúng ta cũng đã hiểu, hiểu một cách rất tự giác cái chân lý ngàn đời không thay đổi: tình yêu chưa thể trọn, hạnh phúc chưa thể đủ đầy khi quân thù đang còn dày xéo non song. Và trong hoàn cảnh đó, đối với chúng ta thì hạnh phúc chỉ có thể hiện hình từ trong hy sinh gian khổ. Tình yêu chúng ta chỉ có thể trọn vẹn, hạnh phúc chỉ có thể đủ đầy khi mà xung quanh ta rộn vang những tiếng trống, tiếng kẻng - không phải là tiếng trống, tiếng kẻng báo hiệu quân cướp biển, cướp trời, cướp đất kéo đến mà là tiếng trống, tiếng kẻng báo hiệu một ngày hội thanh bình, một mùa xuân độc lập, tự do thực sự.
Gần 5 năm chúng ta chưa được gần nhau trọn một đêm trăng. Cái tỷ số 1/1500 mà em đã tính ấy, nay đúng hơn phải là 5/2000 và mong rằng tỷ số này không biến thiên đến vô cực. Thư em viết cho anh từ tháng 7 năm trước, đến tháng 3/1969 anh mới nhận được. Anh đã biết tin gia đình anh bị giặc Mỹ tàn phá. Thế là 18 năm về trước, gia đình anh bị giặc Pháp tàn phá, thì sau 18 năm lại bị giặc Mỹ tàn phá. Nợ nước chưa xong, thù nhà càng thêm nặng… 18 năm trước, giặc Pháp tàn phá nhà anh, người bà yêu quý của anh bị hy sinh, khi đó anh mới 12 tuổi nên chỉ biết quỳ gối bên thi hài bà để thét lên nhưng tiếng khóc oán hờn. Nhưng giờ đây, anh đã là một anh bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu để trả mối thù đó”[15].

tuyengiao.vn

Tin khác

Đảng, Nhà nước và nhân dân đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn các bậc cách mạng tiền bối, các Anh hùng Liệt sỹ, thương binh, đồng bào, chiến sỹ cả nước (28/07/2017 17:18)

Những giá trị còn mãi trong tác phẩm “Tự chỉ trích” (11/07/2017 14:13)

Hội nghị phản biện về dự thảo các Nghị quyết HĐND tỉnh (05/07/2017 08:29)

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng bắt đầu từ mỗi cán bộ, đảng viên (29/05/2017 14:31)

Đồng chí Ly Mí Lử, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ tặng quà cho các cháu thiếu nhi huyện Hoàng Su Phì (29/05/2017 14:25)

Không để kẻ xấu kích động, phá hoại an ninh chính trị, kinh tế (08/05/2017 15:17)

"Tin vịt" và cái gọi là "truyền thông lề dân"! (13/03/2017 10:04)

Khẩu hiệu tuyên truyền năm 2017 (13/03/2017 10:01)

Nguyễn Đức Quyển - Người cán bộ của Mặt trận Tổ quốc hết lòng vì Nhân dân (18/01/2017 17:45)

Nghị quyết 209 giúp người dân vùng cao thực hiện "ước mơ" trồng dược liệu (10/01/2017 10:17)

xem tiếp