Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công !

Giám sát, phản biện xã hội

Gửi Email In trang Lưu
Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Sửa đổi): Tăng cường tính giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận

23/10/2014 10:40

Ngày 22-10, Quốc hội đã nghe Tờ trình về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) sửa đổi, do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày. Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho biết: Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật MTTQVN nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến MTTQVN, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của MTTQVN trong thời gian tới.


Cụ thể hóa 4 vấn đề 

Tờ trình về Dự án luật MTTQVN (sửa đổi) do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày khẳng định: Luật MTTQVN sửa đổi lần này được cụ thể hóa 4 vấn đề. 
 
Thứ nhất, thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và gần đây là "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội” ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 và "Quy định về MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc; về vai trò, trách nhiệm của MTTQVN trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. 
 
Thứ hai, là cụ thể hóa những quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN, về quan hệ của MTTQVN, về các tổ chức thành viên của Mặt trận và các quy định có liên quan về quyền con người, quyền công dân tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
 
Vấn đề thứ ba, là kế thừa những quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp; sửa đổi những quy định còn hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành; nâng cao tính quy phạm của các điều, khoản của Luật; bảo đảm phát huy truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Mặt trận trong 84 năm qua; đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức và cơ chế hoạt động để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN trong tình hình mới. 
 
Vấn đề cuối cùng là pháp điển hóa và bổ sung có chọn lọc vào Luật những quy định chủ yếu về MTTQVN trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn những năm qua nhằm quy định toàn diện, tập trung và cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Đại biểu bên hành lang Quốc hội, ngày 22-10


Đã khẳng định rõ tính chất giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận
 
Ngay sau đó, thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho biết: "Về cơ bản Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung của dự thảo Luật” và cho rằng, dự án Luật trình QH lần này về cơ bản đã thể chế hoá Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các văn bản khác của Đảng, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp. 
 
Theo ông Lý: Thời gian qua, cơ quan trình dự án Luật đã có nhiều cố gắng, nghiêm túc nghiên cứu các ý kiến của Ủy ban TVQH tại phiên họp thứ 17 và thứ 31 và ý kiến của Ủy ban Pháp luật trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1804/BC-UBPL13 và Báo cáo thẩm tra số 2709/BC-UBPL13 về dự án Luật cũng như góp ý của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này trình QH. Theo đó, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn trách nhiệm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQVN, khẳng định rõ tính chất giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN”.
 
Ủy ban Pháp luật cho rằng, để MTTQVN tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận thì cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn cơ chế để MTTQVN tham gia hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa MTTQVN với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.
 
Về việc thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, bản, làng, ấp, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và tương đương, ông Lý cho biết: "Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình và cho rằng, quy định về Ban Công tác Mặt trận như quy định của dự thảo Luật là phù hợp, bởi vì trong thời gian qua Ban Công tác Mặt trận đã được tổ chức trên phạm vi cả nước, đã phát huy vai trò trong việc triển khai thực hiện các hoạt động của Mặt trận ở cơ sở và cũng đã được ghi nhận trong một số văn bản luật, pháp lệnh”.
 
Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp đều ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQVN. Vì vậy, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQVN trong dự thảo Luật là cần thiết. Nhiều ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật về đối tượng và nội dung phản biện xã hội và cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và trách nhiệm của MTTQVN như quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật là phù hợp.
 
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân
 
Về nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQVN, Ủy ban Pháp luật bày tỏ quan điểm tán thành việc dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định cụ thể về nhiệm vụ của MTTQVN trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và được thể hiện tại Chương III của dự thảo Luật. Việc bổ sung này là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng của MTTQVN, đồng thời đề nghị trong Luật cần phân biệt đại diện của Mặt trận với đại diện của cơ quan dân cử vì đại diện của Mặt trận là đại diện có tính chất xã hội, không phải đại diện do nhân dân trực tiếp ủy quyền mang tích chất quyền lực nhà nước. 
 
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQVN cần phải được thể hiện rõ hơn. Bởi vì, để có chức năng đại diện cho nhân dân, cần phải làm rõ cơ chế nhân dân ủy quyền cho MTTQVN; phương thức đại diện, phương thức bảo vệ như thế nào? Hiến pháp quy định công dân có rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng về các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, các quy định của dự thảo Luật mới tập hợp một số quy định về nhiệm vụ của MTTQVN hiện đang thực hiện như phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH và HĐND; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách, pháp luật; tham gia tố tụng, tham gia công tác đặc xá; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo mà chưa thể hiện đầy đủ, rõ nét phương thức đại diện, phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trong những tình huống, vụ việc cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Nguồn tin: Theo Báo đại đoàn kết

Tin khác

Mặt trận cần đổi mới để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện (26/09/2014 10:41)

xem tiếp